<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Quân Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa : Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị Ngày 16-9-1972
Tác giả: MX Ngô Văn Định

Quân Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa :

Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị Ngày 16-9-1972

MX Ngô Văn Định

          Trước khi đề cập tới ngày tái chiếm cổ thành Quảng Trị.

          Ngược lại dòng thời gian khởi sự ngày 1 tháng 5-72.

          Tin tình báo cho biết quân BV sẽ tác xạ 10 ngàn quả đại bác 130 ly vào cổ thành và Thị xã Quảng Trị ngày 1 tháng 5-72.

          Để tránh tổn thất nhân mạng nếu cuộc pháo kích xẩy ra. Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh cho lệnh các đơn vị di tản để tránh pháo.

          Cuộc di tản này lại trở nên một cuộc lui binh hỗn loạn về hướng Mỹ Chánh. Dọc đường các đơn vị này cũng bị các đơn vị Bắc Việt pháo và chận đánh lẻ tẻ trên đường rút.

          Sự việc trên đã đưa đến hậu quả là thành phố và cổ thành Quảng Trị bỏ ngỏ và đã bị quân đội Bắc Việt chiếm kể từ ngày 1-5-72.

          Lữ Đoàn 369 do Đại Tá Phạm Văn Chung Lữ Đoàn Trưởng lúc này đang trách nhiệm án ngữ tuyến sông Mỹ Chánh đã chỉ huy các Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ngăn chặn được lực lượng địch tại sông Mỹ Chánh phía Nam Hải Lăng 15 cây số, và đánh tan các đơn vị Việt Cộng có ý định di chuyển về hướng Nam theo Quốc-Lộ 1. Nhờ vậy nên các đơn vị trực thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh đã được an toàn khi về tới Mỹ Chánh.

          Trong suốt tháng 5-72, nhiều cuộc tấn công cấp Trung Đoàn có chiến xa tùng thiết của cộng sản vào khu-vực bố trí quân của Lữ Đoàn 369 tại Mỹ Chánh, nhưng đều bị Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân đánh tan hoặc đẩy lui.

          Cũng thời gian này, nhiều cuộc hành quân thăm dò vào khu vực quận Hải lăng đã được tổ chức. Có những cuộc Hành Quân trực thăng vận, Hành Quân Thủy Bộ vào khu vực bờ biển Mỹ Thủy và đã có nhiều cuộc đụng độ với cấp Trung Đoàn quân chính quy Bắc Việt ở khu vực “Đường Phố Buồn Hiu” tức hương lộ 555.

          Ngày 4-5-72, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm.

          Thời gian này cũng là khúc quanh quan trọng trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, Đại Tá Bùi Thế Lân Tư Lệnh Phó Sư Đoàn được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến thay thế Trung Tướng Lê Nguyên Khang.

          Lúc này Quân lực Mỹ đã chấm dứt tất cả những cuộc hành quân trên bộ, chỉ còn lại một số Sĩ Quan cố vấn để liên lạc yểm trợ về vấn đề phi pháo xuất phát từ các hạm đội ở ngoài khơi Thái Bình Dương, cùng các phi vụ B52 từ Guam và Thái lan.

          Tuyến sông Mỹ Chánh lúc này trở thành tuyến đầu của Quân Đoàn 1 do Đại Tá Phạm Văn Chung Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến trách nhiệm.

          Ngày 28-6 giai đoạn hành quân tái chiếm Quảng Trị được bắt đầu.

          Các đơn vị Dù, Thủy Quân Lục Chiến vượt tuyến xuất phát Mỹ Chánh tiến về Quảng Trị. Nhảy Dù phía tây Quốc lộ 1, Thủy Quân Lục Chiến phía Đông Quốc lộ 1. Trung tướng Ngô Quang Trưởng giao cho Nhảy Dù vinh dự tái chiếm cổ thành và thị xã Quảng Trị là hai mục tiêu nằm trên trục tiến quân của Thủy Quân Lục Chiến.

          Có lẽ Trung tướng Trưởng muốn dành vinh dự đó cho Sư Đoàn Nhảy Dù, là đơn vị gốc của ông !

          Ngày 11 tháng 7, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận vào vùng thôn Bích La Nam, đông bắc thị xã Quảng Trị chừng 2 cây số. Đây là một vị trí quan trọng, nếu chiếm được sẽ làm dễ dàng hơn cho việc tái chiếm Quảng Trị.

          Một đoàn gồm 32 chiếc trực thăng đủ loại, 17 chiếc loại CH53 mới nhất của Quân Đội Hoa Kỳ (1972) chở dược 60 người, 15 chiếc Chinook CH46 chở 20 người được dùng để di chuyển Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến đến mục tiêu. Khi tới bãi đáp, một trực thăng đã bị hỏa tiễn SA7 bằn trúng làm nổ tung, đa số quân trên máy bay đều tử-nạn. Trong số 32 chiếc trục-thăng xử-dụng thì đã có 29 chiếc bị trúng đạn phòng không, 1 nổ tung ở bãi đáp, 2 chiếc bị rớt (1 rớt xuống biển)

          Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hòa chỉ huy đã bị tổn thất nặng. Tiểu Đoàn phải đương đầu với lực lượng hùng hậu của đối phương nhưng vẫn cố thủ dược vị-trí và chống-trả được những cuộc tấn công của Quân Bắc Việt.

          Sau gần một tháng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã tiến gần đến Quảng Trị, thời gian này cũng có nhiều cuộc đụng độ mạnh hàng ngày và tổn thất nhiều.

          Nhiều yếu tố chính trị liên quan đến hiện tình đất nước như Việt Nam hóa chiến tranh, hòa đàm Ba Lê, phong-trào phản chiến ở Mỹ khiến Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ làm đủ moị cách để rút quân đội Mỹ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam.

          Tổng Thống Thiệu muốn mau chóng chiếm lại Quảng Trị, nơi mà bọn Cộng Sản có ý định muốn dùng Quảng Trị để ra mắt chính phủ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

          Tôi không hiểu vì lý do gì mà ngày 27-7-72, Thủy Quân Lục Chiến được lệnh thay thế Nhảy Dù để tái chiếm Quảng Trị. Khi nhận lệnh thì mọi cấp chỉ huy có những suy nghĩ khác nhau, nhưng cũng chẳng có thì giờ để hỏi tại sao.

          Tướng Bùi Thế Lân nhận lãnh nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này trên vai ông, ông cũng vừa mới nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn được một thời gian ngắn. Nhưng Tôi nghĩ ông cũng hãnh diện và hậu quả của cuộc Hành Quân này sẽ có ảnh hưởng đến đời binh nghiệp của ông. Sau khi họp bàn và thiết kế, ông quyết định dùng Liên Đoàn 258 do Đại Tá Ngô Văn Định (Đồ Sơn) chỉ huy gồm 5 Tiểu Đoàn tác chiến 1, 2, 5, 6, 9 và 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh 105 ly Thủy Quân Lục Chiến để thay thế vào khu vực của Liên Đoàn 2 Nhảy Dù do Đại Tá Trần Quốc Lịch chỉ huy ở phía Tây Nam cổ thành và Lữ Đoàn 147 do Đại Tá Nguyễn Năng Bảo (Bắc Ninh) chỉ huy gồm 3 Tiểu Đoàn tác chiến 3,7, 8 và 1 Tiểu Đoàn pháo binh Thủy Quân Lục Chiến làm lực lương tấn công ở phía đông cổ thành. Liên Đoàn 369 do Đại Tá Nguyễn Thế Lương (Lâm Thao) chỉ huy làm thành phần trừ bị cho Sư Đoàn.

          Mục tiêu Cổ Thành được chia làm 2, Lữ Đoản 258 nửa Tây Nam, Liên Đoàn 147 nửa Đông Bắc. Chúng Tôi cũng rất hãnh diện được tham dự vào cuộc Hành Quân có tính cách vô cùng quan trọng này, nhưng chúng tôi cũng có nhiều lo âu suy nghĩ. Sự lo âu đây là lo âu chắc chắn là sẽ có tổn-thất lớn lao về nhân mạng. Mục tiêu là một vị trí trọng yếu được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 tổ chức phòng thủ rất kiên cố trước khi Việt Cộng chiếm.

          Tôi đã có dịp vào họp tại Cổ thành trước ngày 1-5-72. Xung quanh là tường thành cao và có hào nước sâu bao bọc chung quanh.

          Lực lượng địch trong khu vực lại hơn ta gấp 4 lần có ưu thế về Pháo Binh tầm xa, 2 Trung đoàn chiến xa, nhiều đơn vị phòng không. Chúng lại có một kho tiếp vận vũ khí và đạn dược ở Đông Hà, hàng ngày có nhiều tầu chở tiếp liệu vào cảng Cửa Việt để đưa chiến cụ và vũ khí vào cho các đơn vị của chúng ở Quảng Trị.

          Bên ta có ưu thế về Không quân chiến lược, chiến thuật và Hải pháo.

          Công tâm và trung thực mà nói thì cuộc tái chiếm Quảng Trị là một cuộc chiến kinh hoàng nhất và tổn-thất nhiều nhất cho cả 2 bên trong chiến tranh Việt Nam.

          Cũng có một số người vì lý do này hay lý do kia không công-bằng khi nói tới chiến thắng này. Quảng-Trị hàng ngày có mưa bom, mưa pháo không ngừng nghỉ, địa-thế lúc nào cũng rung chuyển như là đang có động đất.

          Để đo lường được thế nào là cuộc chiến kinh hoàng nhất thì phải dựa theo sự tổn thất. Sau 52 ngày kể từ ngày thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù (27-7-1972) đến ngày hoàn thành nhiệm vu, đã có trên 3500 quân nhân Thủy Quân Lục Chiến hy sinh, nhiều ngàn người bị thương.

          Trong khi đó về phía quân đội Bắc Việt thì các Sư Đoàn 308, 304, 325 và các Trung Đoàn chiến xa đã bị tổn thất nặng nề ;  Riêng hai Trung đoàn Triệu Hải phòng thủ trong cổ thành và Trung Đoàn 48 phòng thủ trong Thị xã coi như bị xóa sổ : 5542 quân Bắc Việt bị chết tại trận, 83 bị bắt sống làm tù binh, vũ khí tịch thu được đủ loại chất thành đống.

          Tất cả 9 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đều trực tiếp tham chiến, được luân phiên điều động lên tuyến đầu.

          Do đó Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 6 đã vào được cổ thành và cùng cắm cờ Vàng 3 sọc đỏ lên tường thành ngày 15-9-1972. Nhưng lễ thượng kỳ chính thì được tổ-chức vào hồi 12 giờ 45 ngày 16-9-72.

          Theo Tôi nghĩ thì vì cũng không có nhiều thời giờ chuẩn bị nên Sư Ðoàn đã chỉ định Tiểu Đoàn 6 dựng cờ vì phái đoàn báo chí Ngoại quốc hiện có mặt ở nơi đó gần với Tiểu Đoàn 6 thuận tiện để họ chụp hình dựng cờ. Nếu mà ngày hôm dựng cờ mà có được mỗi Tiểu Đoàn đề cử 1 người thì hợp tình hợp lý, vì bên Liên Đoàn 258 một mình Tiểu Đoàn 6 không thể nào vào được Cổ Thành Quảng Trị nếu không có sự hỗ tương yểm trợ từ các Tiểu Đoàn 1, 2, 5 và 9 đã rất khó khăn mới hoàn toàn kiểm soát được Thị xã. Về phiá Lữ Đoàn 147 thì Tiểu Ðoàn 7 và 8 cùng hợp lực với góp sức với Tiểu Đoàn 3 tấn công vào Cổ Thảnh ở Phiá Ðông bắc. Ba Tiểu Ðoàn Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến yểm trợ hoả lực rất hữu hiệu trong suốt muà hè đỏ lửa, các đơn vị Yểm trợ khác như Thiết giáp và Thiết Quân Vận tăng phái yểm trợ hỏa lực và tản thương. Còn 1 đơn vị mà nếu không có sự cố gắng của họ thì chúng ta cũng bó tay, không có quân số chiến đấu, tôi muốn nói đến những anh em đi tuyển mộ.

          Tin Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã tái chiếm Quảng Trị được báo cáo về Saigon. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập khẩn cấp thành phần chính phủ để gửi điện khen-ngợi đến Chuẩn-tướng Bùi-thế-Lân Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến và toàn thể Sĩ Quan Hạ Sĩ Quan và Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã lập chiến công oanh liệt nhất trong cuộc chiến và cho biết sẽ ra thăm tất cả các anh em tại Quảng Trị.

          Ngày 20 tháng 9 năm 1972, Tổng Thống đã đến thị xã Quảng Trị thăm Thủy Quân Lục Chiến, trong khi đại bác 130 ly của Cộng Sản Bắc Việt vẫn còn nổ vang.

          Sau đây là thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khen ngợi nồng nhiệt và khâm phục vô biên của Tổng Thống và Chính Phủ.

          “Tôi trân trọng yêu cầu Đại Tướng chuyển đến Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I, Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng toàn thể đơn vị và chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã đánh tan quân Cộng Sản xâm lược ra khỏi Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị, lời ngợi khen nồng nhiệt nhất, đồng thời lòng khâm phục vô biên của Tôi và toàn thể chánh phủ họp tại dinh Độc Lập sáng hôm nay 16-9-72

          Bốn ngày trước khi đúc kết chiến dịch 3 tháng thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ và sau những tuần lễ đầy hy sinh gian khổ, toàn thể các đơn vị thuộc mọi Quân binh chủng vùng địa đầu giới tuyến đã ghi thêm những nét vàng son sáng chói vào Quân Sử hào hùng của Dân Tộc

          Mưu đồ của bọn Cộng Sản xâm lược muốn biến Quảng Trị thành một Bình Long anh dũng, một Kontum kiêu hùng của chúng, đồng thời bám lấy một địa danh tâm lý và chánh trị để lừa bịp dư luận đã bị toàn thể anh em đánh tan ra mây khói.

          Một lần nữa, Tôi nhiệt liệt khen ngợi toàn thể anh em đã chiến thắng, Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những chiến sĩ hy sinh cho đại nghĩa dân tộc.

          Và Tôi sẽ đến thăm anh em”.

          Ký Tên

          Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa

          Nguyễn Văn Thiệu.

          Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I Quân Khu I gửi thư điệp đến Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (Nguyên văn đính kèm)

          Gửi Chuẩn Tướng

          Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến

          Tôi đã nhìn Quốc Kỳ tung bay trên nền trời Quảng Trị chỉ ít lâu sau khi những bàn tay kiêu dũng của anh em kéo lên từ trong Cổ Thành hôm 16-9-72.

          Tôi đã muốn thấy tại chỗ chiến thắng của anh em để ngay tại chiến trường, tự cảm thấy hãnh diện được chỉ huy Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến trong một chiến dịch qui mô nhất của Quân Đội

          Từ Bến Hải đến Cà Mâu, gót chân người chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian khổ và chiến thắng. Nhưng phải nói rằng đây là lần đầu tiên Sư Đoàn đã chiến đấu trong một hoàn cảnh đặc biệt, đối đầu với nhiểu khó khăn nhất, với một kẻ thù đông gấp bội.

          Vì thế chiến thắng Quảng Trị, đánh tan quân Địch, giải phóng thị xã, là chiến thắng lớn nhất lẫy lừng nhất.

          Đầu tháng 5 năm 72, khi Quảng Trị bị mất vào tay Địch, Sư Đoàn đã trấn giữ được tuyến Mỹ Chánh và đã góp công đầu, cùng với các đơn vị của Sư Đoàn Nhẩy Dù và Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong nhiệm vụ giữ Huế. Hàng trăm ngàn dân Trị Thiên đã phải di tản về Nam trước áp lực của Địch, nhưng tại tuyến Mỹ Chánh anh em đã ngăn được sức tiến của quân thù.

          Những cuộc tấn kích hạn chế, sau đó đã được tổ chức trong vùng Hải Lăng để dành lại thế chủ động và lũng đoạn các kế hoạch tiếp tục tiến công của giặc. Sóng Thấn 5 ngày 13 tháng 5 tại Hải Lăng và Đa Nghi. Sóng Thần 6 ngày 24 tháng 5 tại Mỹ Thủy, Sóng Thần 8 vượt tuyến Mỹ Chánh ngày 8 tháng 6 đã đánh vào đầu Địch những đòn nặng, tai hại cho kế hoạch tấn công của Địch, và đã chuẩn bị cho cuộc phản công của quân ta ngày 28-6-1972 là ngày chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu.

          Thủy Quân Lục Chiến và Nhẩy Dù đã gây được một bất ngờ kỳ thú ngay cho cả Địch quân cùng với các Quân binh chủng khác và với một tỷ lệ quân số bạn Địch 1/4, anh em đã đẩy lui được Địch, tiêu diệt một phần lớn tiềm năng chiến đấu của chúng

          Và trận chiến gay go nhất đã khởi diễn từ 27-7-72 khi Sư Đoàn tiếp nhận khu vực Thị xã Quảng Trị từ Sư Đoàn Nhẩy Dù. Chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến sau 51 ngày tiến chiếm từng tấc đất, từng ngôi nhà, đã dành lại được toàn bộ Thị Xã Quảng Trị, diệt được trên 14 ngàn tên Địch, thu 4350 vũ khí, hủy hay thu 71 khẩu pháo, 73 chiến xa tính từ đầu tháng 5 năm 72.

          Giặc đã dùng lực lượng của 4 Sư Đoàn chủ lực để giữ Thị Xã Quảng Trị, những Sư Đoản đã lừng danh với những chiến thắng ở Bắc, Trung Việt và nhất là ở Điện Biên Phủ 308, 312, 325. Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã đương đầu với chúng, nhẫn nại hơn chúng, dũng cảm hơn chúng và đã chiến thắng chúng, những “anh hùng Điện Biên Phủ một thời”.

          Chiến thắng ấy đã được xây dựng với nhiều xương máu của chiến sĩ, với sức chịu đựng vượt mức của anh em. Nhờ sự khéo léo và tài ba của Chuẩn Tướng và các Sĩ Quan.

          Tôi muốn qua thư này tỏ lòng khâm phục của Tôi đối với Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, với những hy sinh vô bờ của anh em, và lập lại sự hãnh diện được chỉ huy anh em trong một cuộc thử thách lớn nhất, trong một chiến dịch quy mô nhất của Quân Đội

          Tôi cũng yêu cầu Chuẩn Tướng chuyển lời khen ngợi của Tôi đến tất cả Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ của Sư Đoàn

          Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

          Tư Lệnh Quân Đoàn 1 Quân Khu 1

          (Ký Tên)

          Tôi được vinh dự đã lái xe đưa Tổng Thống đến thị xã đổ nát, có Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I và Chuẩn Tướng Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến tháp tùng. Trên đường di chuyển, theo chương trình dự trù chạy qua nhà thờ La Vang, lúc này hoàn toàn đổ nát, Tôi ngừng xe và Tổng Thống Thiệu xuống quỳ gối cầu nguyện. Bức hình Tồng Thống Thiệu quỳ tại thánh đường La Vang đã trở thành 1 poster lịch sử được phổ biến toàn quốc và cả thế giới.

Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đang cầu nguyện tại Vương Cung Thánh Đường La Vang ngày 20 tháng 9 năm 1972

          Nhân dịp viếng thăm này, Tổng Thống đã ân thưởng Ðệ Tam Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm theo Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu cho Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh và Ðại Tá Nguyễn Năng Bảo, Tổng Thống cũng ân thưởng huy chương và thăng cấp cho nhiều quân nhân trong Sư Ðoàn.

          Sau cuộc chiến tái chiếm Quảng Trị, quân Bắc Việt đã bị thiệt hại nặng.

          Nếu Lữ Đoàn369 Thủy Quân Lục Chiến gồm Tiểu Đoàn2, Tiểu Đoàn5, Tiểu Đoàn9 và Tiểu Đoàn1 Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến đã không chặn được các lực lượng quân Bắc Việt ở Tuyến Mỹ Chánh thì có thể cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị đã không xẩy ra và chúng có khả năng tiến thẳng đến Huế và Đà Nẵng từ đầu tháng 5 /1972.

          Những gì sẽ xẩy ra thì không thể lường trước được.

          Nhờ chiến-thắng Quảng Trị mà Miền Nam Việt Nam được an bình thêm 3 năm.

          Cựu Trung Tá Gerald H. Turley là cố vấn Thủy Quân Lục Chiến rời Quảng Trị sau cùng trước khi Quảng Trị lọt vào tay cộng quân vào ngày 1-5-72. Sau khi về Mỹ Ông được thăng cấp Ðại Tá và đãm nhiệm chức phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông đã viết cuốn sách tựa đề là “The Easter Offensive”. Trong đó Ông hết lời ca tụng cấp chỉ huy và quân nhân Thủy Quân Lục Chiến các cấp đã chiến đấu rất anh dũng, trong những điều kiện gian khổ khó khăn đã đánh bại quân xâm lăng Bắc Việt được trang bị tối tân. Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam chiến đấu giỏi không thua bất cứ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nào trên thế giới.

          Ngoài ra, Tôi có đón đọc được bài viết sau đây của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích có liên quan tới Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Thủy Quân Lục Chiến iệt Nam. Ðọc bài này chúng ta cũng hãnh diện là Thủy Quân Lục Chiến Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.

          Trong hai ngày 17 và 18 Tháng Ba năm 2006, Trung Tâm Việt Nam ở Ðại Học Texas Tech (Lubbock, Texas) đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa :  Nhìn lại và tái thẩm định sau 30 năm” (“ARVN :  Reflections and Reassessments After Thirty Years”). Nhân dịp này, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã được mời đọc bài diễn văn quan trọng ở bữa ăn trưa (“luncheon keynote speech”) ngày đầu hội nghị. Dựa vào nhiều tài liệu mới được tiết lộ gần đây, không trừ tài liệu từ miền Bắc và các văn khố ở Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Ðốn và Trung Cộng, bài diễn văn này đã trả lại được danh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đem cuộc chiến lên một tầm nhìn mới. Trong bài diễn văn Ông nói :  “ngay cả khi Hoa kỳ bỏ cuộc như vậy, quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng, đẩy lui được ba mũi dùi lớn của quân Bắc Việt thọc vào miền Nam trong vụ Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972. Thủy quân lục chiến Việt Nam đã viết nên những trang sử oai hùng nhất trong lịch sử quân sự ở Việt Nam khi vào Tháng 9 năm ấy, họ đổ xương máu ra để chiến đấu lấy lại từng tấc đất một của tỉnh Quảng Trị (cuộc chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị phải xem là một trận Iwo Jima của Việt Nam).

          Trận Quảng Trị đã làm hao tổn nhiều xương máu nhất trong Quân sử Lực Việt Nam Cộng Hòa.

          Và Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Riêng tôi, lúc nào cũng hãnh-diện đã là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam được tham dự trận tái chiếm Thị Xã và Cổ thành Ðinh Công Tráng năm 1972. Tôi rất may mắn vẫn còn được mang niềm hãnh diện Quảng Trị trong tuổi cao niên hiện nay. Không bao giờ tôi quên được 3,500 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam đã hy sinh, nhiếu ngàn người bị thương. Hầu hết còn rất trẻ.

          Những gì mà chúng ta đang hưởng trên đất Mỹ, phần lớn là do những hy-sinh của những anh-hùng vô-danh đó. Chúng ta có bổn-phận phải tiếp tục chiến-đấu và phải làm tất cả những gì để cho thế-hệ con em chúng ta biết về chiến-công oanh-liệt của Thủy Quân Lục Chiến tại Quảng Trị ngày 16-9-72, một ngày phài được ghi vào Quân-sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

          San Jose ngày 16 tháng 9 năm 2003

          MX Ngô-văn-Định

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Những ông cậu của vua tham quyền làm sụp đổ triều đại
Dưới Tầng Địa Ngục
Nhắc Nhở Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm Nhân Ngày Hiệp Định Paris Được Ký Kết 20-07-1954
Lịch Sừ và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội Công Giáo La Mã - Mục X
Lật Lại Vụ Án Xử Từ Mấy Ngàn Sĩ Quan Việt Minh
Giáo Hội La Mã : Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác
Những Thiếu Sót Và Sai Lầm Quan Trọng Trong Bộ Lịch Sử Việt Nam 15 Tập
Giáo Sư Nguyễn Văn Trung Tiết Lộ Điều Gì ?
Tháng 11 Rồi Sẽ Phải Qua Đi
Phan Châu Trinh - Việt Nam - và Nhật Bản
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3149233
Có -672 Khách Đang Online